Chủ động phòng, chống bệnh theo mùa: Bệnh Cúm A
Trước tình hình biến đổi khí hậu và thời tiết thay đổi thất thường, bệnh cúm A có nguy cơ lây lan và bùng phát rất cao, đặc biệt là trong những cơ sở giáo dục. Trường học, nơi tập trung đông người, là môi trường có nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất lớn. Vì vậy, để có biện pháp phòng chống dịch hiệu quả và bảo vệ sức khỏe cho học sinh, trường Tiểu học Quyết Thắng xin cung cấp một số thông tin quan trọng về cách phòng ngừa và xử lý khi có biểu hiện nghi mắc cúm A.
1. Bệnh cúm A là gì?
Cúm A, còn gọi là cúm mùa, là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do virus cúm gây ra. Bệnh thường xuất hiện vào mùa Đông - Xuân, khi cơ thể không đáp ứng kịp với sự thay đổi của thời tiết. Cúm A có khả năng lây nhiễm cao từ người sang người, đặc biệt khi không được điều trị sớm. Nếu không xử lý kịp thời, bệnh có thể dẫn đến đại dịch và gây ra các biến chứng hô hấp nguy hiểm, thậm chí là tử vong.
2. Cơ chế lây bệnh
Cúm A lây qua đường hô hấp khi tiếp xúc với virus từ người bệnh qua dịch tiết mũi, họng khi ho, hắt hơi, hoặc sổ mũi. Người bệnh có thể lây nhiễm trong vòng từ 1 đến 7 ngày sau khi khởi phát bệnh.
3. Dấu hiệu nhận biết bệnh cúm A
Các dấu hiệu thường gặp của bệnh cúm A bao gồm:
- Sốt: Nhiệt độ cơ thể trên 38 độ C, kéo dài từ 2-3 ngày.
- Đau đầu, đau cơ, mệt mỏi.
- Hắt hơi, chảy nước mắt, sổ mũi.
- Ho: Có thể ho khan hoặc ho có đờm.
- Đau họng, ngứa cổ họng, nghẹt mũi.
- Một số người có thể gặp phải triệu chứng nôn, buồn nôn.
- Trường hợp nặng: Bệnh có thể gây viêm phổi, suy hô hấp và dẫn đến tử vong.
4. Biện pháp phòng chống cúm A
Để phòng chống bệnh cúm A, chúng ta cần thực hiện các biện pháp sau:
- Tiêm vắc xin phòng cúm là cách tốt nhất để ngừa bệnh.
- Giữ ấm cơ thể khi thời tiết lạnh, đặc biệt là khi ra ngoài vào buổi sáng sớm hoặc tối. Cần chú ý giữ ấm cho các bộ phận quan trọng như tay, chân, cổ, đầu.
- Tránh tiếp xúc gần với người đang mắc cúm, đặc biệt trong 3 ngày đầu khi virus dễ lây lan nhất.
- Uống nước ấm, tránh ăn thức ăn lạnh như kem, đá, nước lạnh.
- Rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước sạch, tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng.
- Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi.
- Vứt bỏ khăn giấy đúng cách sau khi sử dụng.
- Ở nhà khi có triệu chứng cảm cúm, tránh tiếp xúc với người khác.
- Tăng cường vitamin C để hỗ trợ hệ miễn dịch và phòng ngừa cảm cúm.
- Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng (tinh bột, chất đạm, chất béo, rau củ quả) để tăng cường sức khỏe.
5. Khi mắc bệnh cúm A, cần làm gì?
Nếu bạn có dấu hiệu nghi ngờ mắc cúm A, hãy:
- Hạn chế tiếp xúc với người khác và đeo khẩu trang để phòng lây nhiễm.
- Liên hệ với cán bộ y tế của nhà trường để được tư vấn và chăm sóc sức khỏe kịp thời.
- Không khạc nhổ bừa bãi và dùng khăn giấy khi ho, hắt xì.
- Rửa tay sạch sau khi ho, hắt xì.
- Vệ sinh sạch sẽ khu vực sinh hoạt, lớp học; mở cửa để phòng thoáng khí và đủ ánh sáng.
Trường Tiểu học Quyết Thắng hy vọng bài tuyên truyền này sẽ giúp các thầy cô, phụ huynh và học sinh có thêm kiến thức để phòng chống bệnh cúm A, bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người xung quanh.
Ứng Hòe, ngày 12 tháng 02 năm 2025